Cứ tưởng trí nhớ của chúng ta kém

0
523

 

“Tại sao anh ta lại cố làm rối tung mọi thứ thế này nhỉ?” chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi một cách bất lực như vậy. “Nếu tôi không thể nhớ mình đã để chìa khóa ở đâu, và tôi thường xuyên mất thời gian tìm chúng, thì vì Chúa, trí nhớ của tôi về ‘vị trí đồ vật’ không chỉ kém mà thậm chí… không hề tồn tại!”

Điều này chỉ là do bạn suy diễn. Đơn giản là chúng ta chưa đánh giá đúng mức trí nhớ của bản thân.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người cho rằng khả năng nhớ tên của họ kém thì thực tế lại nhớ tên rất giỏi so với người khác. Tuy nhiên, bạn hãy gạt bỏ các nghiên cứu này sang một bên và tự thực hiện một nghiên cứu nhỏ sau: Trong tháng trước, đã bao nhiêu lần bạn phải mất hơn 10 phút để tìm chìa khóa? Ba lần? Bốn lần hay mười lần? Theo thống kê, chúng ta sử dụng chìa khóa 150 lần một tháng, trong những trường hợp như ra khỏi nhà, lên xe, tại nơi làm việc,… 150 lần một tháng. Cứ cho đó là viễn cảnh tồi tệ nhất (thật khó tin) và ước rằng mười lần trong một tháng chúng ta phải tìm chìa khóa. Như vậy trong một tháng, chúng ta có 140 lần không phải tìm chìa khóa, nghĩa là ta nhớ đã để chúng ở đâu. 140 lần một tháng, tức là đạt tỉ lệ nhớ 95%! Trong “thất bại” cụ thể này, trí nhớ của chúng ta đạt tỉ lệ thành công là 95%! Chúng ta không mong muốn mọi điều chúng ta làm sẽ “thất bại” theo cách này, đúng không?

Trí nhớ “rất kém” của chúng ta chỉ có tỉ lệ sai sót là 5%. Nếu vậy, tại sao chúng ta lại đưa ra giả thiết là chúng ta chỉ nhớ kém trong một lĩnh vực nào đó. Có 2 nguyên nhân: nguyên nhân thứ nhất chỉ xảy ra trong một số trường hợp cuộc sống, một thất bại dù nhỏ cũng có thể làm gián đoạn mạch thắng lợi dài đang có.

Nếu ta nhận được một bảng điểm toàn điểm 10 mà lại có một điểm 4 thì chắc hẳn ta sẽ cảm thấy thất vọng. Nếu ta mua một chiếc xe hơi mới tinh rồi lại thấy có một vết xước nhỏ thì ta sẽ tức điên lên và cảm thấy chán ngán.

Chúng ta đáp máy bay xuống Las Vegas trong bộ com-lê sang trọng thế mà lại thấy mấy sợi tóc vương trên sàn nhà tắm (Điều mà Chúa cấm kị), khách sạn thì bẩn thỉu, tất nhiên Las Vegas cũng bẩn thỉu nốt, và tình trạng này cũng giống như ở bang Nevada.

Chúng ta luôn cầu toàn về mặt cảm xúc và có xu hướng phóng đại lên. Đó là lý do tại sao khi nói về một con quái vật, chúng ta thường thổi phồng nó lên, cũng giống như 5% trường hợp chúng ta không nhớ là để chìa khóa ở đâu (cho dù 5% đó, chúng ta không quên hoàn toàn!! Cuối cùng ta vẫn tìm ra chúng. Đó chỉ là trí nhớ của bạn không làm việc với tốc độ của hệ điều hành Windows XP, sẽ mất chút ít thời gian để xử lý).

Nguyên nhân thứ 2, và cũng là vấn đề trung tâm, là một sai lầm cụ thể lại dẫn đến hình thành khuynh hướng chung, hay nói cách khác là phát triển quan điểm tiêu cực cho trí nhớ về những công việc mà chúng ta thất bại.

Về khả năng nhớ tên người, số liệu thống kê cũng giống như trường hợp nhớ chìa khóa. Mỗi tháng, chúng ta tình cờ gặp hàng trăm người mà chúng ta nhớ tên cũng như những gì liên quan đến họ. Nhưng nếu trong một tháng, chúng ta ngẫu nhiên gặp 5 người mà ta không thể nhớ tên – ta sẽ kết luận rằng khả năng nhớ của mình rất kém.

Hơn nữa, thực tế việc không thể nhớ tên một người thường xảy ra đúng vào lúc người đó đang đứng trước mặt bạn thật khó hiểu. Đây là một tình huống căng thẳng và lúng túng, và đa số chúng ta đều mắc phải sai lầm nghiêm trọng là xin lỗi họ. Chúng ta cảm thấy việc không thể nhớ nổi tên người đang đứng trước mặt mình là một sự sỉ nhục đối với họ. Bạn thường rất lúng túng trong tình huống này, rồi bạn xin lỗi và nói: “Thứ lỗi cho tôi nhé, trí nhớ của tôi kém quá”. Vì sao sai lầm này lại nghiêm trọng như vậy? Bởi vì chúng ta xin lỗi lần thứ nhất, lần thứ hai và dần dần trong thâm tâm ta tin rằng khả năng nhớ tên của ta rất kém.

Quá trình này dẫn đến việc chúng ta ngày càng có thái độ tiêu cực đối với trí nhớ của bản thân. Chúng ta trở nên phòng thủ và tự thuyết phục mình rằng chẳng thể làm gì vì trí nhớ của chúng ta rất kém. Do đó, lần sau chúng ta sẽ không cố gắng nhớ tên một ai đó, một cuộc hẹn hay một nhiệm vụ trong chừng mực cho phép. Đó là sự lãng phí thời gian, vì “bất kỳ khi nào chúng ta không nhớ thì điều này cũng đúng thôi và chúng ta sẽ được tha thứ…”

Còn thú vị hơn khi phát hiện ra rằng, khi quên mất điều gì đó, hầu hết mọi người đều bào chữa bằng cách đổ lỗi cho sức khỏe. “Tôi vừa bị một trận ốm”. “Có quá nhiều thứ trong đầu tôi khiến tôi quên bénG mất nó”, (tương tự câu “Não tôi rất nhỏ. Nếu tôi phải ghi nhớ cuộc hẹn với bạn thì việc này cũng đồng nghĩa tôi phải quên đi 4 số điện thoại của Nancy, người mà tôi muốn mời đi chơi tối nay…”).

Tuy nhiên, một trong những lời biện hộ thường xuyên của tôi là tuổi tác – “Trí nhớ của tôi không còn như trước nữa”.