Sự phân công vai trò giới của cha mẹ trong gia đình giúp nhận dạng giới tính ở trẻ

0
1551
Sự phân công vai trò giới của cha mẹ trong gia đình giúp nhận dạng giới tính ở trẻ

Chúng ta biết rằng, bé trai và bé gái không tự trưởng thành với các phẩm chất của đàn ông hay của phụ nữ. Các phẩm chất giới tính không phải “vốn có” hoặc tự nhiên sinh ra. Chúng có được nhờ quá trình giáo dục có định hướng và phải được bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ, ngay từ lứa tuổi mẫu giáo.

Đối với mỗi người, gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên, trong đó cha mẹ là những người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển nhân cách của con cái. Nói cách khác, xã hội hóa giới tính luôn là một trong những chức năng quan trọng nhất của gia đình. Cha mẹ cho con cái chất liệu di

truyền định hình cấu trúc giới tính nhưng không dừng lại ở đó.

Gia đình là nơi đầu tiên truyền cho những thành viên mới sinh ra của xã hội những ý niệm về giống phái, giới tính. Như là một người đàn ông và như là một người phụ nữ, cha và mẹ – trong toàn thể lối sống của mình – trở thành khuôn mẫu giới tính cho con trẻ định hình nhân cách trong cả quá trình dài xây dựng nhận dạng giới tính của chúng. Trong sự kết hợp hòa điệu giữa cha và mẹ, gia đình trở thành một sân khấu nhỏ, trong đó mỗi người học sống vai trò giới của mình. Trong lĩnh vực này, phần lớn những gì chúng ta xem là bẩm sinh ở bản thân thực ra đều là sản phẩm của văn hóa, kết hợp vào nhân cách của chúng ta thông qua việc xã hội hóa.

Chính tại gia đình, trong hầu hết các nền văn hóa, trẻ nhỏ được dạy rằng, con gái cần phải dịu dàng, con trai cần phải mạnh mẽ, dũng cảm… Và cách cư xử giữa bố và mẹ là bài học sớm nhất đối với trẻ về cách ứng xử giới tính giữa một người nam và một người nữ. Trẻ sẽ tiếp thu dần dần những kiến thức giới tính từ chính gia đình mình. Từ đó, dần theo năm tháng, ở trẻ hình thành những hành vi, thái độ mang tính chất giới nam hay nữ được mọi người và xã hội chấp nhận [21, 22, 25].

Nghiên cứu của Walter Mischel (1970) cho rằng, người lớn – mà trước hết là cha mẹ – trực tiếp định hình hành vi của trẻ hướng đến vai trò đi kèm với giới tính. Con trai được thưởng vì có hành vi kiểu con trai và bị phạt khi có hành vi kiểu con gái [29, 25]. Về mặt truyền thống, người cha chỉ cho con trai cách xây dựng và sửa chữa đồ đạc, trong khi các bà mẹ dạy con gái dọn nhà, thổi cơm, khâu vá… Điều này đi suốt thời thơ ấu và niên thiếu của trẻ nhỏ. Theo cách này, trẻ em nhận được sự tán đồng của cha mẹ bằng cách tuân theo những kỳ vọng về giới và chấp nhận những vai trò giới như tập quán và văn hóa. Tất cả những điều này tiếp tục được củng cố bởi các tác nhân xã hội khác như thầy cô, bạn bè và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong chức năng đồng nhất hóa (Identitative), cha mẹ với tư cách là người đại diện cho giới nam và giới nữ, qua các công việc hàng ngày trong vai trò giới của mình mang lại cho những đứa con – cả hai giới – hình ảnh đầu tiên của người đàn ông và người phụ nữ. Con gái có nhu cầu được cha yêu thương để đồng nhất mình với người phụ nữ, còn con trai có nhu cầu về hình ảnh nam nhi của người cha để đồng nhất mình với một người đàn ông [6, 21].

Điều thú vị qua các nghiên cứu ở chỗ, việc giới tính hóa của bé gái không liên quan gì đến nữ tính của người mẹ. Không phải người mẹ có nữ tính cao thì con gái cũng có nó. Chính ở đây, người bố đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con gái nhận dạng và phát triển giới tính thông qua việc thừa nhận người mẹ như một khuôn mẫu giới tính cần học tập và bắt buộc con gái tham gia vào các hoạt

động nữ tính đó. Đặc điểm nam tính của người cha cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giới tính hóa ở bé gái (Hetherington, 1967) [4, 8].

Theo Thuyết học tập xã hội của Albert Bandura (1977, 1986) và Walter Mischel (1970), trẻ em tập quen vai trò giới tính giống hệt như cách tập quen các hành vi xã hội khác, bằng củng cố và tập quen quan sát. Cha mẹ và những người khác định hình vai trò giới tính thích hợp ở trẻ em và trẻ em tập quen những gì mà nền văn hóa của mình cho đó là thích hợp đối với nam và nữ bằng cách quan sát người lớn và các bạn đồng tuổi hành động ra sao [6, tr.228].

Walter Mischel cho rằng, vai trò giới nam/giới nữ hình thành và phát triển ở mỗi cá nhân là do cá nhân đó học tập, tức là lĩnh hội và làm theo những hành vi của cha mẹ, anh chị em hay những người trong/ngoài gia đình. Quá trình học tập có thể diễn ra một cách vô thức, tự phát khi đứa trẻ tự động bắt chước hành vi của người cùng giới [27, 29].

Trẻ dễ bắt chước những người có ảnh hưởng lớn đối với trẻ, những ai đáp ứng được nhu cầu yêu thương mà trẻ cần đến, những ai gần gũi và yêu thương trẻ. Những người quan trọng đầu tiên đối với trẻ, đó chính là cha mẹ. Những người quan trọng đầu tiên đó, dần dần trở thành hình mẫu của trẻ, là niềm tin mãnh liệt đối với trẻ.

Lúc đầu trẻ bắt chước một cách tự nhiên. Sau đó, trẻ sẽ cảm nhận trong tình huống nào thì người ta làm những hành vi đó, và cách thực hiện như thế nào. Trẻ nối kết được hành vi và tình huống. Từ sau 2 tuổi, trẻ bắt chước có chọn lọc và mất dần kiểu bắt chước máy móc. Lớn hơn một chút, trẻ sẽ nối kết được hành vi với tình huống và hậu quả của hành vi đó ra sao – trẻ sẽ được gì và bị gì khi thực hiện hay không thực hiện hành vi đó. Khi đi học, trẻ được cung cấp thông tin: khi nào thì sử dụng hành vi nào; trẻ học cách chọn lọc hành vi dựa trên thái độ, nền tảng, niềm tin mà trẻ có được trong gia đình [4, 8].

Câu hỏi được đặt ra là: Những khuôn mẫu về vai trò giới mà trẻ có được từ trong gia đình có đủ mạnh để ảnh hưởng đến trẻ trong sự chọn lựa của mình không?

Nếu khuôn mẫu giới trong gia đình không đủ mạnh, cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn với nhau, trẻ sẽ không biết theo ai, không biết chọn bên nào. Nếu cha mẹ tạo ra hình mẫu không đủ vững cho con cái, trẻ sẽ tìm hình mẫu ở người khác, ở môi trường xung quanh mà trẻ đang sống.

Trong gia đình, mỗi người cha, người mẹ đều mang những định hướng giá trị của giới mình và là khuôn mẫu để trẻ noi theo. Các bé trai hay bắt chước những hành vi, cử chỉ của đàn ông (của cha,

của anh), còn các bé gái – bắt chước những hành vi của phụ nữ (của mẹ, của chị).

Trong cuộc sống gia đình, nếu thiếu người cha vì một lí do nào đó, hoặc người cha thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái đều dẫn đến sự lệch lạc của con cái sau này trong các mối quan hệ với những người khác giới. Nghiên cứu của Hetherington (1989) đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của người cha trong việc giới tính hóa con cái. Việc vắng mặt một hình mẫu nam giới hoặc thiếu cơ hội tiếp xúc với cha có thể gây khó khăn cho quá trình giới tính hóa của con, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi [8, tr.33].

Như vậy, một gia đình có sự yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa cha và mẹ sẽ là tấm gương, là nhân tố giáo dục đắc lực tác động đến trẻ, giúp trẻ phát triển những đặc điểm giới tính phù hợp. Qua khuôn mẫu giới của cha và mẹ mà con trẻ tiếp nhận mô hình văn hóa giới tính để hình thành nên nhân cách, giới tính của mình.

Theo quan điểm của tâm lí học hoạt động, chính đứa trẻ mẫu giáo cũng là chủ thể tích cực trong quá trình phát triển nhân cách của mình. Đ.B.Enconhin cho rằng, xu hướng muốn trở thành người lớn được thể hiện rất rõ trong cuộc sống của tất cả trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Nhưng nhu cầu này không thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện tại vì có sự khác biệt giữa mức độ phát triển thực (trẻ em) và hình thức lí tưởng mà trẻ muốn trở thành (người lớn). Vì vậy, trò chơi đóng vai là hoạt động duy nhất cho phép trẻ va chạm với các khía cạnh của cuộc sống người lớn mà trẻ chưa có khả năng bước vào. Đối tượng của trò chơi đóng vai chính là người lớn – người mang các vai trò, chức năng xã hội nhất định trong các hoạt động thực tiễn của mình, người tham gia vào các mối quan hệ xã hội với người khác và tuân theo các luật lệ nhất định trong xã hội.

Chính vì vậy, trẻ mẫu giáo quan sát người lớn, “lĩnh hội” người lớn và lấy người lớn làm khuôn mẫu để “chơi mà học”. Trẻ học người lớn để “làm người lớn”, để “trở thành” chồng, thành vợ, thành bác sĩ, giáo viên trong trò chơi đóng vai của mình. Đây chính là cơ chế lĩnh hội quan hệ giữa người với người trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo. Khuôn mẫu giới của đàn ông và phụ nữ trước hết trẻ học được trong gia đình – từ cha mẹ. Nếu nội dung cơ bản trong trò chơi đóng vai của trẻ từ 3-4 tuổi đơn thuần là mô phỏng lại các hoạt động của người lớn, thì đến 5-6 tuổi trẻ đã quan tâm nhiều đến các mối quan hệ qua lại giữa người với người trong xã hội. Sự phân công vai trò giới giữa cha và mẹ trong gia đình cũng vì vậy mà được phản ánh một cách đầy đủ và sâu sắc trong nhận thức và hành vi giới tính của trẻ.