Nhận dạng giới tính của trẻ

0
1444
Nhận dạng giới tính của trẻ

Gia đình luôn háo hức muốn biết trẻ sơ sinh là trai hay gái. Tại sao người ta lại quan tâm đến giới tính của trẻ? Câu trả lời là “trai” hoặc “gái” hoàn toàn không chỉ là sự khác biệt sinh học. Cùng với nó, những từ này đi kèm với các vai trò xã hội khác nhau. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã bắt đầu quan tâm đến các vấn đề giới tính – đó là quá trình nhận thức tự nhiên để tìm hiểu thế giới xung quanh. Vai trò đi kèm với giới tính là một trong những vấn đề đầu tiên mà trẻ khám phá. Trẻ nhanh chóng tìm hiểu hành vi được dành cho đàn ông và phụ nữ trong nền văn hóa của mình. Đồng thời, trẻ bắt đầu đồng nhất mình với một trong hai giới này. Như thế, trẻ có sự nhận dạng trong tư cách là trai hoặc gái. I.X.Kon nhận định: “Giới là phạm trù đầu tiên mà trẻ ý thức về bản thân như một cá thể”

Nhận dạng giới tính là một vấn đề không thể bỏ qua trong tâm lí học giới tính và tâm lí học lứa tuổi. Ở trẻ, việc ý thức được mình thuộc về giới nào và cần phải có những phẩm chất nào để thể hiện đặc tính giới (những đặc điểm “nam tính” và “nữ tính”) diễn ra đồng thời với sự xác định ý nghĩa của những phẩm chất này đối với cá nhân và đối với xã hội. Đó chính là quá trình hình thành nhận dạng giới tính.

Trong lứa tuổi mẫu giáo, đặc biệt từ 5 tuổi trở đi, quá trình phát triển ý thức và tự ý thức của trẻ diễn ra mạnh mẽ. Việc trẻ ý thức về bản thân như đại diện của một giới là thành tố quan trọng đầu tiên trong quá trình hình thành nhận dạng giới tính. Sự phát triển toàn diện của trẻ như đại diện của giới nam hoặc giới nữ có thể phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của trẻ với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Những người mà trẻ yêu quý và tiếp xúc thường xuyên có ảnh hưởng đặc biệt đối với trẻ. Có thể nói, sự phát triển giới tính và sự phát triển xã hội của trẻ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thành tố thứ hai trong quá trình hình thành nhận dạng giới tính là việc trẻ hiểu và tiếp nhận vai trò giới của bản thân. Vai trò giới được hiểu như một hệ thống những yêu cầu, qui tắc, chuẩn mực, kỳ vọng mà trẻ phải đáp ứng để được công nhận là bé trai (đàn ông) hoặc bé gái (phụ nữ) [24, tr.12]. Những kỳ vọng của cha mẹ về trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhận thức giới tính ở trẻ. Việc cha mẹ đối xử với bé trai như với một cô bé sẽ làm rối loạn tự nhận thức về giới tính của trẻ. Và ngược lại, việc người lớn đối xử với bé trai như với một người đàn ông thực thụ sẽ giúp quá trình nhận dạng giới tính của trẻ sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Việc lĩnh hội vai trò giới ở trẻ đòi hỏi phải có những mẫu mực điển hình của giới nam và giới nữ. Sự tri giác đồng thời vai trò của cả người cha lẫn người mẹ trong gia đình giúp trẻ so sánh, nhận thức không chỉ sự khác biệt giữa hai giới, mà cả sự thống nhất của hai giới trong một tổng thể.

Như vậy, nguồn gốc cơ bản để trẻ lĩnh hội vai trò giới chính là hình ảnh cuộc sống của người lớn, mà trước hết là gia đình. Môi trường gia đình có ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển giới tính của trẻ. Vai trò giới của cha mẹ càng được thể hiện rõ bao nhiêu thì sự phát triển vai trò giới ở trẻ càng thuận lợi bấy nhiêu. Sự tri giác không rõ ràng về vai trò giới trong gia đình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và hành vi của trẻ.

Hiện nay, việc nghiên cứu về tâm lí học giới tính và giáo dục học giới tính ở nước ta đang được quan tâm và phát triển. Đây là vấn đề phức tạp và còn nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm cũng như cách thức giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã thống nhất rằng, nên giáo dục giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt. Mỗi lứa tuổi nhất định cần có nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục thích hợp. Tùy theo đặc điểm văn hóa, điều kiện của từng vùng mà việc giáo dục giới tính cho trẻ có thể bắt đầu ở những lứa tuổi khác nhau.