Sự phát triển nhận dạng giới tính ở trẻ em

0
2752
Sự phát triển nhận dạng giới tính ở trẻ em

Các ảnh hưởng sinh học, tâm lí và xã hội không phải là những yếu tố duy nhất quyết định nhận dạng giới tính ở trẻ. Sự hiểu biết của chính trẻ về giới và vai trò giới cũng góp phần vào quá trình phát triển nhận dạng giới tính này.

Công trình của L. Kohlberg là nghiên cứu đầu tiên ứng dụng lối tiếp cận nhận thức nhằm tìm hiểu sự phát triển nhận dạng giới và vai trò giới ở trẻ em. Theo L. Kohlberg, thái độ và niềm tin về vai trò giới ở chính đứa trẻ giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hướng dẫn hành vi tương tác của trẻ với môi trường xung quanh. Thuyết này cho rằng, khả năng phân biệt vai trò giới và tự nhận thức về bản thân của trẻ trước hết là dựa vào các khuôn mẫu cùng giới chứ không phải dựa vào khả năng tự nhận dạng về mình. Khi đứa trẻ – trên cơ sở những khác biệt về thể chất và vai trò giới như quần áo, kiểu tóc hoặc công việc – tự phân loại được mình là con trai hay con gái, luôn mong muốn có những cư xử phù hợp với giới tính và bắt chước các khuôn mẫu cùng giới với nó. Quá trình này được gọi là “tự xã hội hóa” (self-socialization). Bé gái thường nói: “Mình là con gái vì mình giống mẹ và các bạn gái hơn là giống bọn con trai, cho nên mình mặc quần áo con gái, chơi trò chơi con gái…”. Ở đây, tính chất nhất quán giữa giới tính của trẻ, sự tự phân loại bản thân, các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức và các hành vi thích hợp là điều cốt lõi để duy trì lòng tự trọng ở trẻ [4, 6, 8].

L. Kohlberg xem xét sự phát triển của ý thức giới tính như là quá trình hình thành khả năng nhận thức tính bất biến của giới tính (Gender constansy). Theo ông, quá trình này trải qua ba giai đoạn:

a) Giai đoạn gọi tên giới tính (2 – 3,5 tuổi)

Độ tuổi này, trẻ bắt đầu hiểu được các từ: con trai, con gái, đàn ông, phụ nữ … và sử dụng các từ này khi nói về người này hoặc người khác. Dưới 3,5 tuổi, trẻ mới chỉ nhận biết được mình là trai hay gái nhờ những đặc điểm bên ngoài như trang phục, đầu tóc… song khả năng nhận diện này mang tính tình huống rõ nét, trẻ chưa hiểu được tính ổn định của nó. Khi hỏi: “Khi lớn lên, cháu có trở thành đàn ông/phụ nữ được không?”, trẻ có thể trả lời rất thoải mái là: “Có”. Và cũng không ít trường hợp trẻ hỏi: “Mẹ ơi, khi mẹ còn là em bé thì mẹ là con trai hay con gái?”…Trẻ chưa ý thức được rằng, giới tính là không thay đổi và do vậy, những ước mơ khi nào lớn sẽ trở thành một nhân vật nổi danh khác giới là hiện tượng dễ bắt gặp ở trẻ [4, 6, 8].

Như vậy, đến 3,5 tuổi, trẻ nhận thức về giới hoàn toàn căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài, còn sự khác nhau của bộ phận sinh dục lại chưa có ý nghĩa gì đối với trẻ trong việc phân biệt giới tính.

b) Giai đoạn hiểu sự ổn định của giới tính ( 3,5 – 4,5 tuổi)

Đây là giai đoạn đầu của việc nhận thức về tính bất biến của giới tính. Trẻ bắt đầu quen dần với suy nghĩ: con trai lớn lên sẽ trở thành đàn ông (chồng/ cha/ chú), còn con gái sẽ trở thành phụ nữ (vợ/ mẹ/ cô). Tuy nhiên, sự hiểu biết về tính bất biến của giới ở trẻ còn mang tính thiếu bền vững, cục bộ, chưa đầy đủ và còn mâu thuẫn với nhau. Đôi khi trẻ vẫn cho rằng, sự thay đổi trang phục, kiểu đầu tóc, quần áo hay công việc có thể làm thay đổi giới tính của người này hay người khác. Chẳng hạn, con gái để tóc giống con trai sẽ trở thành con trai và con trai chơi búp bê sẽ trở thành con gái (Fagot, 1985) [6, tr.229]

c) Giai đoạn hiểu tính bất biến của giới tính ( 4,5 – 7 tuổi)

Đây là giai đoạn củng cố nhận thức về tính bất biến của giới tính. Tuy còn mang tính tình huống, song vào tuổi này trẻ đã ý thức được giới tính của mình là không thay đổi trong các tình huống và do ý muốn cá nhân. Nhìn chung, trẻ biết được rằng hình thức bề ngoài không làm thay đổi giới tính của mọi người, thậm chí ngay cả trong trường hợp mặc quần áo hoặc làm công việc của giới đối lập. Trẻ 6-7 tuổi thường giải thích tính bất biến của giới bằng nhiều cách. Ví dụ, việc mặc váy không làm đàn ông trở thành phụ nữ, hoặc nếu mẹ đẻ em gái thì lớn lên bé vẫn là con gái…. Còn trẻ 4 tuổi cũng có thể trả lời đúng câu hỏi về tính bất biến giới tính, nhưng hiếm khi trẻ giải thích được lí do tại sao, bởi trẻ vẫn bị ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến bản chất vấn đề như quần áo, kiểu đầu tóc, công việc…

Theo L. Kohlberg, phải cho tới sau 7 tuổi trẻ mới hoàn toàn hiểu được rằng, giới tính của chúng được quyết định bởi bộ phận sinh dục (Mc. Conaghy, Thompson, Bentler). Từ vô số các đặc điểm của giới tính, trẻ biết tách riêng những đặc điểm ổn định, bản chất để xác định giới, nhờ đó nhận thức về giới của trẻ được hoàn chỉnh [4, 8].

Nhận dạng giới tính chỉ là bước đầu tiên trong sự lĩnh hội kiến thức về vai trò giới. Trong những kiểm nghiệm trực tiếp thuyết của L. Kohlberg, các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng, ở trẻ, việc nhận dạng giới tính xuất hiện trước tiên, sau đó đến sự hiểu biết về tính ổn định giới và cuối cùng là sự đánh giá về tính bất biến giới tính.

Trình tự xuất hiện những hiểu biết về vai trò giới này phù hợp với dự báo của L. Kohlberg cho cả trẻ trai và trẻ gái (Martin & Little, 1990). Hơn nữa, trẻ em ở những nền văn hóa khác nhau (Kenia, Nepal & American Samia) cũng có các giai đoạn hiểu biết về giới tính tương tự như vậy (Munroe & Shimmin, 1984) [4, 8].

Nghiên cứu của Berm (1989) đã chỉ ra rằng, việc hiểu biết về bộ phận sinh dục là một yếu tố quyết định quan trọng về tính bất biến của giới tính.

Như vậy, theo thuyết của L. Kohlberg, khả năng nhận thức về tính bất biến của giới tính là yếu tố cơ bản nhất quyết định hành vi giới tính của trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, cũng chính thực tế cho thấy, từ 3-4 tuổi trẻ đã có khả năng lựa chọn kiểu hành vi giới tính phù hợp. Nhờ những yếu tố tác động của môi trường xã hội, mà quan trọng nhất là người lớn – những tấm gương về hành vi giới tính – mà ngay từ khi nhận thức giới tính của trẻ chưa đạt tới mức 3, thậm chí mức 2, trẻ đã có thể lựa chọn và thực hiện hành vi phù hợp với giới tính của mình. Bởi trẻ cho rằng, phải làm như vậy thì mới đúng là con trai hay con gái.

Mỗi bước tiến bộ trong khả năng nhận thức về tính bất biến giới tính giúp trẻ hiểu ra rằng, giới tính của bản thân là tồn tại vĩnh viễn mà không liên quan gì đến vai trò giới. Điều đó có nghĩa, việc thực hiện công việc của người khác giới cũng không thể làm thay đổi giới tính. Ví dụ, đàn ông cũng có thể nấu ăn rất giỏi và việc một người phụ nữ lái máy bay cũng không phải là điều không thể. Kết quả là, việc lựa chọn các hoạt động và cách ứng xử của người khác giới không còn là điều đáng sợ đối với trẻ nữa.